Kĩ sư/ Nhân viên Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (R&D Engineer/ Staff)
R&D là gì?
R&D là từ viết
tắt của Research & Development - Nghiên cứu và Phát triển; đây là một trong
những chìa khóa thành công của nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới. Nghiên cứu và
phát triển bao gồm việc đầu tư, tiến hành mua hoặc bán các nghiên cứu, công nghệ
mới phục vụ cho quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Công tác nghiên cứu
và phát triển cũng nhằm khám phá những tri thức mới về các sản phẩm, dịch vụ,
sau đó áp dụng những tri thức đó để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, có tính cải
tiến để đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc của thị trường tốt hơn.
R&D và cải tiến
công nghệ, quy trình công nghệ luôn là mục tiêu và chức năng quan trọng của các
công ty tiên tiến, công ty đa quốc gia tiên phong trên thế giới. "Để trở
thành công ty luôn dẫn đầu thị trường không còn cách nào khác là luôn phải đi
trước đối thủ về phát triển sản phẩm và công nghệ để đáp ứng tối đa nhu cầu
khách hàng với giá cả phải chăng và chi phí tối ưu nhất"
Bộ phận R&D làm gì? (Chức năng của R&D)
Nếu như cách đây
vài năm, hoạt động R&D vẫn còn rất xa lạ với các doanh
nghiệp Việt Nam thì thời gian gần đây, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch
vụ đã bắt đầu chú trọng đến hoạt động này. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều có
một bộ phận (hoặc phòng) R&D với nhiệm vụ chính là nghiên cứu để
phát triển sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và thực hiện chiến lược
phát triển của doanh nghiệp. Cũng chính vì sự
“áp đặt” nhiệm vụ khá hạn hẹp này mà nhiều phòng R&D của doanh nghiệp Việt
Nam chưa làm hết chức năng cần có của một đơn vị nghiên cứu và phát triển theo
đúng nghĩa, dẫn đến khả năng phát triển của doanh nghiệp bị hạn chế, bó hẹp
trong khuôn khổ sản phẩm thuần túy, cứng nhắc, gây lãng phí tài nguyên, nguồn lực
doanh nghiệp. Trên thế giới, chức
năng nghiên cứu và phát triển không chỉ giới hạn ở việc cho ra đời sản phẩm mới.
Một bộ phận R&D chuyên nghiệp trong một tập đoàn đa quốc gia thường “bao
sân” đồng thời nhiều chức năng dưới đây.
1. Nghiên cứu - phát
triển sản phẩm (Product R&D)
Đây là chức năng
nghiên cứu và phát triển thuần túy về mặt sản phẩm nhằm cho ra đời những sản phẩm
có thiết kế, chất liệu, đặc tính, công dụng mới. Chẳng hạn, sản phẩm nước mắm
làm từ cá hồi, bột nêm làm từ rong biển, trà thảo mộc đóng chai, cửa nhựa uPVC…
Hoạt động nghiên cứu và phát triển này thường chú trọng nhiều đến công thức sản
phẩm, thành phần cấu tạo, màu sắc, hương vị, chất liệu, kiểu dáng sản phẩm…
Ngoài ra, nghiên cứu và phát triển sản phẩm còn bao gồm cả việc nghiên cứu, cải
tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có.
Đối với các đơn vị
cung cấp dịch vụ, chức năng này tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển các
dịch vụ mới với nội dung mới, đem lại lợi ích mới. Chẳng hạn như các tour du lịch
đến những địa điểm mới, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp sử dụng chất liệu chiết xuất từ
thiên nhiên, dịch vụ tắm bùn trong khu resort…
2. Nghiên cứu - phát
triển bao bì (Packaging R&D)
Ngoài việc nghiên
cứu và phát triển sản phẩm mới, đối với một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh
nghiệp sản xuất kinh doanh các loại hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), bộ phận
R&D còn có chức năng nghiên cứu, phát triển các loại chất liệu bao bì mới
(khác với thiết kế kiểu dáng, màu sắc, trang trí, in ấn bao bì - thường do bộ
phận marketing đảm nhiệm).
Chẳng hạn một
công ty trong ngành nước giải khát tung ra các sản phẩm trà xanh đóng chai, được
chiết rót ở nhiệt độ cao, buộc phải có một loại chai nhựa làm bằng chất liệu chịu
nhiệt mà không bị biến dạng, không độc hại. Bộ phận R&D của công ty phải
nghiên cứu để chọn một loại chất liệu phù hợp với chi phí hợp lý nhất cho sản
phẩm mới này. Còn phần kiểu dáng sản phẩm, nhãn mác, việc trang trí gian hàng
trưng bày đẹp, bắt mắt là do bộ phận tiếp thị đảm nhiệm. Đôi khi, việc nghiên cứu,
phát triển bao bì còn nghiên cứu luôn cả các kiểu dáng đặc biệt của bao bì (ví
dụ hộp sữa bằng giấy có hình bánh ú, hình chóp…), cũng như cách thức đóng gói
bao bì tối ưu.
Việc nghiên cứu
và phát triển bao bì đóng góp rất lớn vào thành công trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều khi, chỉ cần thay đổi chất liệu bao bì, trong khi vẫn giữ nguyên thành phần,
chất lượng, số lượng sản phẩm bên trong, mức tiêu thụ sản phẩm đã có thể tăng
lên nhiều lần. Bao bì cho các sản phẩm mì ăn liền là một ví dụ. Khi chuyển từ
bao bì giấy sang bao bì nhựa, các sản phẩm mì gói của doanh nghiệp Việt Nam, vốn
được định vị là bình dân, đã có thể cạnh tranh ngang ngửa với các sản phẩm của
nước ngoài, mặc dù chất lượng bên trong chưa thay đổi nhiều.
3. Nghiên cứu - phát
triển công nghệ (Technology R&D)
Việc nghiên cứu,
tìm kiếm công nghệ sản xuất, chế biến tối ưu để cho ra đời sản phẩm (cả cũ lẫn
mới) với chất lượng và giá thành tối ưu cũng là một trong những chức năng quan
trọng của bộ phận nghiên cứu và phát triển. Ví dụ, công nghệ lên men tự nhiên
khác với công nghệ thủy phân bằng a-xít trong sản xuất nước tương, công nghệ sản
xuất bia tươi khác với bia “luộc”, công nghệ pha chế hương liệu trong ngành thức
uống…
Nghiên cứu - phát
triển công nghệ bao gồm cả hoạt động “tình báo công nghệ”, nghiên cứu bí quyết
công nghệ của đối thủ để bắt chước hoặc phát triển công nghệ mới cho mình.
4. Nghiên cứu - phát
triển quá trình (Process R&D)
Bản chất của chức
năng này là nghiên cứu, tìm kiếm các quá trình sản xuất, chế biến, lắp ráp, vận
hành, phối hợp… tối ưu, được thể hiện bằng các quy trình cụ thể mang tính ứng dụng
cao, đem lại hiệu suất và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Điển hình cho
hoạt động này là việc nghiên cứu để cải tiến, phát triển các quy trình sản xuất
(đối với sản phẩm), quy trình phục vụ (đối với dịch vụ), quy trình vận hành (đối
với máy móc)… Hoạt động này có thể được xem là hoạt động nghiên cứu - phát triển
“phần mềm” của sản phẩm, khác với “phần cứng” là chất liệu, công thức, bao bì sản
phẩm, công nghệ sản xuất, chế biến…
Công tác nghiên cứu,
phát triển “phần mềm” này thường bị xem nhẹ hoặc bỏ qua, trong khi hiệu quả
mang lại có khi còn cao hơn cả “phần cứng”. Đặc biệt, đối với các loại hình dịch
vụ, việc nghiên cứu, phát triển các quy trình phục vụ mang ý nghĩa hết sức quan
trọng, nếu không muốn nói là có tính quyết định trong sự thành công hay thất bại
của loại hình dịch vụ đó.
Để thực hiện tốt
nhiệm vụ của mình, bộ phận R&D không thể không chú trọng đến một quy trình
thật khoa học, thật hợp lý cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thường được
đặt cho một tên gọi rất rõ ràng là “quy trình nghiên cứu - phát triển”. Quy
trình này quy định trình tự các bước thực hiện trong hoạt động nghiên cứu -
phát triển, mô tả sự phối hợp giữa bộ phận R&D với các bộ phận khác trong
doanh nghiệp như marketing, sản xuất, kiểm soát chất lượng, tài chính…; từ việc
tiếp nhận yêu cầu, nghiên cứu, phân tích, sản xuất thử, đến sản xuất hàng loạt...
Như vậy, hoạt động
nghiên cứu và phát triển cần được hiểu rộng ra, không giới hạn trong khuôn khổ
thuần túy và cứng nhắc của sản phẩm hoặc dịch vụ. Với cách hiểu này, chức năng
của một phòng R&D sẽ được mở rộng, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi
nghiên cứu, phát triển để nhờ đó doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực và tiết
kiệm chi phí.
Hiện trạng kỹ sư R&D Việt Nam
Ở Việt Nam, hầu như chưa trường Đại học Kỹ thuật nào đưa nội dung R&D, Thiết kế và Phát triển Sản phẩm vào giảng dạy chính quy nên các sinh viên & kỹ sư trẻ gặp khá nhiều khó khăn và bỡ ngỡ khi tiếp xúc với ngành nghề mới này. Các kỹ sư R&D Việt Nam đều tự nghiên cứu và phát triển theo hướng tự phát và phần lớn đều không theo một quy trình chuẩn. Hiện nay một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng và phát triển hiệu quả bộ phận R&D theo mô hình chuẩn quốc tế, điển hình nhất là Viettel, VNPT, FPT, Panasonic Appliances Vietnam, Vinamilk, Thiên Long ... Đây là các đơn vị tiên phong trong kế hoạch phát triển R&D của Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế. Nhưng những sản phẩm dịch vụ tiên phong này vẫn chỉ chiếm thị phần rất nhỏ tại Việt Nam. Trên thị trường điện tử, điện lạnh, cơ khí, sản xuất ô tô, máy móc xây dựng, phương tiện giao thông vận tải, máy móc nông nghiệp vẫn tràn lan các thương hiệu của nước ngoài, các thương hiệu nội địa rất ít hoặc hoàn toàn vắng bóng.
Do đó có thể nhận thấy việc làm trong mảng R&D hiện rất
nhiều, các công ty triển khai R&D có nhu cầu rất lớn về nhân lực làm nghiên
cứu và phát triển sản phẩm và chào mời mức đãi ngộ rất hấp dẫn so với mặt bằng
chung. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này hiện tại dường như chưa đáp ứng được kỳ vọng
của nhà tuyển dụng.
Về mặt ngữ nghĩa,
R&D bao gồm R (Research – Nghiên cứu) và D (Development – Phát triển).
Research có mục đích tìm ra các công nghệ mới, các khám phá về mặt nền tảng để
từ đó đưa vào sản phẩm. Vì thế, làm Research rất khó, đòi hỏi nền tảng khoa học,
kỹ thuật công nghệ cao, sự tổ chức bài bản, và đầu tư dài hạn với số vốn cực lớn. Chính vì thế, ở
Việt Nam, các doanh nghiệp làm R&D hầu hết tập trung vào D – Development mà chủ yếu là Product Development (Phát triển sản phẩm).. Development
có mục đích tiếp thu, tận dụng những công nghệ đã có (từ R hoặc từ nguồn khác)
để tổ chức, sắp xếp, tích hợp, thiết kế...để làm ra sản phẩm. Nhu cầu về
nhân sự R&D ở Việt Nam chính là nhu cầu về nhân sự có nền tảng kỹ thuật (để
làm R, khi cần) và có hiểu biết về Product Development (để làm D).
Giải pháp nào cho
kỹ sư R&D Việt Nam
R&D là điểm
khởi đầu của bất kỳ sản phẩm hàng hoá nào có hàm lượng chất xám, dù trong công
nghiệp, nông nghiệp, y dược... Từ R&D đến thiết kế, từ thiết kế đến sản xuất,
từ sản xuất đến tiêu thụ - đó là chuỗi giá trị các sản phẩm. Nếu ta không chú
trọng và làm tốt ở ngay khâu đầu tiên, thì không thể có sản phẩm hàng hóa mang
thương hiệu Việt Nam đi vào các hệ thống phân phối toàn cầu:
- Tài chính, vật lực: Cần đầu tư nguồn
lực tài chính và cơ sở vật chất, thiết bị tiên tiến cho các trung tâm R&D
tiềm năng, cắt giảm bớt các trung tâm R&D hoạt động không hiệu quả, hoặc
không cần thiết tồn tại. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khách các tổ chức, doanh
nghiệp tư nhân tham gia vào quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ
nội địa.
- Chính sách, pháp luật: Xây dựng các
chính sách ưu đãi, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đầu tư
và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, lấy công nghệ chuyển giao đó làm nền tảng
để nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới mang nét đặc trưng riêng, mang thương
hiệu Việt.
- Đào tạo nhân lực: Xây dựng các
chương trình đào tạo, tập huấn tại nước ngoài như chương trình Kỹ sư R&D Nhật
Bản, kỹ sư cầu nối Châu Âu, Châu Mỹ...để học hỏi và áp dụng mô hình kỹ thuật,
công nghệ tiến tiến vào Việt Nam.
Để thương hiệu Việt
phát triển vươn tầm thế giới, rất cần phải có cái nhìn nghiêm túc và đúng đắn về
tầm quan trọng của việc đầu tư và phát triển R&D.
Related Posts